Hiện nay, gạo chất lượng cao đang có xu hướng tăng trưởng không những tại thị trường quốc tế mà còn tại Việt Nam. Các loại gạo chất lượng cao hiện tại đang nhận được nhiều sự quan tâm, tin dùng của người tiêu dùng nhờ vào độ an toàn và chất lượng vượt trội mà các loại gạo này mang lại. Một trong những loại gạo chất lượng cao phải kể đến đó chính là gạo hữu cơ cao cấp.
Theo báo cáo nghiên cứu của QY Research xuất bản năm 2020, tổng lượng xuất khẩu gạo hữu cơ toàn cầu trong năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, lượng xuất khẩu sẽ tăng 9% trong giai đoạn từ 2019 – 2025 với mức tăng trưởng dự báo đạt 2,78 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, gạo hữu cơ cao cấp đang được tập trung phát triển và khẳng định vị thế vượt trội của mình trong lòng người tiêu dùng và đối với hệ sinh thái.
Vùng nguyên liệu gạo hữu cơ tại Cà Mau
Vào năm 2020, có hơn 1.400 hecta lúa tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang và Vĩnh Long đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế USDA, EU và JAS. Hiện Cà Mau là nơi có diện tích vùng trồng lúa tôm hữu cơ lớn nhất trong khu vực với giống lúa ST24 và ST25. Gạo hữu cơ được sản xuất từ các giống lúa này đang thuộc nhóm gạo hảo hạng trên thị trường do có chất lượng vượt trội: hạt gạo dài, trong, không bạc bụng, cơm dẻo, thơm, giữ nguyên độ ngon khi nguội. Chất lượng gạo luôn được đảm bảo do được trồng theo hình thức lúa-tôm và tuân thủ nghiêm ngặc các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Đặc biệt, tại cuộc thi World’s Best Rice được tổ chức bởi The Rice Trader tại Manila – Philippines, gạo ST25 của Việt Nam đã vinh dự dành được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới.
Bằng việc chú trọng nâng cao chất lượng gạo, áp dụng các tiêu chuẩn gạo hữu cơ quốc tế vào sản xuất và tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi đang có như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chắc chắn sẽ giúp nâng tầm hạt gạo nội địa và mang lại vị thế mới cho hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.